CHUYÊN MỤC

Chuyên đề công đoàn > Công tác kiểm tra > Kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động năm 2015 của Liên đoàn Lao độ

Kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động năm 2015 của Liên đoàn Lao động tỉnh

28/10/2015

Thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2015, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-LĐLĐ ngày 01/9/2015 thành lập Đoàn giám sát công tác bảo hộ lao động năm 2015, giám sát tại 04 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động theo Luật doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV chè Biển Hồ, Công ty TNHH MTV Cà phê tỉnh, Công ty Cổ phần Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai, Công ty Cổ phần bê tông và Xây lắp điện Qua giám sát nhận thấy các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động của Nhà nước và địa phương.


Tình hình tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp. Đối với các đơn vị được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tập trung sản xuất kinh doanh thì việc triển khai thực hiện tương đối tốt vì có bố trí đội ngũ, cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Đối với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp có số lao động không tập trung như giao khoán các vườn cây cà phê, cao su thì việc triển khai thực hiện có nhiều hạn chế, vì quy mô doanh nghiệp nhỏ, lao động ít, vốn ít, trình độ chuyên môn, nhận thức chưa đầy đủ về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Về thực hiện chế độ bảo hộ lao động; công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất hóa học...có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thì đối với các đơn vị được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tập trung sản xuất kinh doanh được quan tâm, chú trọng và thực hiện thường xuyên hơn, còn lạithì do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, do quy mô nhỏ, số lượng lao động ít nên công tác huấn luyện, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động chưa được quan tâm, chú trọng.
Tình hình thực hiện chế độ đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc khai báo, thống kê báo cáo, điều tra sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tính đến thời điểm giám sát, các đơn vị, doanh nghiệp đều đảm bảo chế độ đối với người lao động bị tai nạn theo quy định của pháp luật.
Về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện, đặc biệt là đối với người lao động làm công việc mang tính chất nặng nhọc, độc hại nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời như  Công ty Cổ phần Mía đường – Nhiệt điện; Công ty TNHH MTV Chề Biển Hồ khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ, công nhân và khám sức khỏe trước khi tuyển dụng công nhân.
Đoàn giám sát nhận thấy, nhìn chung quá trình thực hiện tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động doanh nghiệp hiện nay tuy có chấp hành nhưng chưa đầy đủ và bám sát các quy định của Nhà nước: Người lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm song chưa theo đúng quy định mới tại Thông tư 27/2013/TT-BLĐTBXH nên dẫn tới chất lượng chưa cao; Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với chất lượng chưa cao vẫn còn khám chung chung; Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm một cách thực chất; Việc khai báo, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, nên chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trên thực tế; Cơ chế quản lý người lao động là lao động thời vụ, lao động tự do, lao động nông nghiệp chưa rõ ràng… nên việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc cập nhật văn bản pháp luật của các dơn vị doanh nghiệp chưa thường xuyên, chưa bố trí cán bộ chuyên trách, nếu có thì cán bộ làm công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm; mặt khác các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa quan tâm đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và chỉ đến khi cơ quan nhà nước đến kiểm tra, thanh tra thì những doanh nghiệp này mới bắt đầu thực hiện.
Kết thúc giám sát, Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp ý kiến của đơn vị doanh nghiệp kiến nghị như sau: Trước khi Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực, kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTBXH cần kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện một số văn bản hướng dẫn để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội về thực hiện các chế độ, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động như: Thông tư  27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó quy định thời gian huấn luyện quá dài không phù hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và để khắc phục tình trạng các đơn vị hạ giá thành nhưng không quan tâm đến việc nâng chất lượng và hiệu quả công việc và tình trạng mua, bán chứng nhận, chứng chỉ kiểm định an toàn, vệ sinh lao động, chứng chỉ, chứng nhận đã qua lớp học an toàn vệ sinh lao động; Thông tư 25/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 quy định bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, theo đó không nên quy định mức tiền như đã định khung mà nên có cơ chế quy định mức khung theo giá trị dinh dưỡng (ví dụ mức 1 thì được hưởng định mức khung là một hộp sữa …), tránh tình trạng khi giá cả leo thang gây khó khăn cho việc thực hiện tại đơn vị doanh nghiệp;
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, nhất là ngành Lao động, thương binh và xã hội thực hiện tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng những văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh; Tích cực tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; Chú trọng công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành định kỳ, đột xuất một cách khoa học để để lắng nghe ý kiến của từng đối tượng nhằm kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật; kịp thời xử lý đúng pháp luật những vụ vi phạm nghiêm trọng; biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động...
Nguyễn Thanh Tâm
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh 

Other



Copyright © 2016 Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: 09 Hai Bà Trưng - TP Pleiku - Gia Lai
Điện thoại: (0269)3824279 - Fax: (0269)3823661 - Email: ldldtinh@gialai.gov.vn; 
Chịu trách nhiệm: Nguyễn Hoàng Phong - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai.
Giấy phép số: 08/GP-TTĐT ngày 25 tháng 7 năm  2016  của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang